10 xu hướng định hình tương lai của ngành Thiết kế giảng dạy

10 xu hướng định hình tương lai của ngành Thiết kế giảng dạy

1. Cá nhân hoá việc học tập 

Các hệ thống học tập thích ứng (adaptive learning systems), sử dụng các thuật toán để tùy chỉnh trải nghiệm giáo dục dựa trên hiệu suất và sở thích của từng học viên, nâng cao sự hứng thú và hiệu quả học tập.

Công nghệ hỗ trợ: Gồm các thuật toán học tập thích ứng với từng nhu cầu người học, gợi ý nội dung bằng AI, phân tích dữ liệu người học. Ví dụ: Trong khối tư nhân có Coursera for Business, LinkedIn Learning, khối giáo dục phổ thông có ALEKS (McGraw-Hill), DreamBox Learning, Smart Sparrow.

Ở hình bên là AI của LinkedIn Learning đang phân tích và đề xuất cho mình khoá học phù hợp, dựa vào LinkedIn profile của mình.  ►►►►

Phương pháp này khó áp dụng cho:

  • Môi trường học mà tất cả học viên phải học cùng một tốc độ và cùng nội dung mà không có (hoặc không cần) sự cá nhân hoá, ví dụ các buổi đào tạo phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, nội quy công ty.

2. Học tập qua nội dung ngắn (Micro-learning)

Phương pháp này cung cấp cho người học các nội dung ngắn, gọn, dễ học, dễ hiểu, đáp ứng sở thích của người học hiện đại về việc cập nhật thông tin nhanh chóng và đi vào trọng tâm của vấn đề. Học tập qua nội dung ngắn là phương pháp lý tưởng cho các nhu cầu đào tạo cần có tính kịp thời, hoặc nhu cầu phát triển kỹ năng/cập nhật kiến thức liên tục.

Công nghệ hỗ trợ: Các nền tảng học tập ngắn gọn như EdApp, Axonify, Talentcards, Whatfix, Spekit, Seismic Learning, Guru, Trainual, v.v.

Phương pháp này khó áp dụng cho:

  • Các nội dung chuyên ngành phức tạp, đòi hỏi học sâu và học trong thời gian dài (ví dụ đào tạo bác sĩ, kỹ sư về trí tuệ nhân tạo, quân sự, v.v.). Nếu microlearning có được sử dụng thì cũng chỉ giới hạn trong các hoạt động đơn giản như ôn tập hoặc test các kiến thức cơ bản.

3. Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường

Tích hợp Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR) vào môi trường học tập cung cấp cho học viên những trải nghiệm sống động, mô phỏng các tình huống thực tế, từ đó làm tăng sự hứng thú và khả năng ghi nhớ. Công nghệ này đặc biệt hiệu quả khi dùng cho các kỹ năng mang tính hành động cụ thể (lĩnh vực y tế, cơ khí, vận hành máy móc, lắp đặt, v.v.).

Công nghệ hỗ trợ: Kính AR/VR, video 360 độ, mô phỏng 3D tương tác

Phương pháp này khó áp dụng choCác nội dung dựa trên lý thuyết, tư duy trừu tượng (ví dụ: văn học, triết học), hoặc ít có tính tương tác (ví dụ: chính sách của công ty). 

 

4. Gamification (Học tập qua các hoạt động có yếu tố trò chơi)

Tích hợp các yếu tố trò chơi vào nội dung giáo dục giúp tăng động lực và tương tác. Gamification có thể làm cho việc học trở nên thú vị hơn bằng cách khen thưởng thành tích và biến các nhiệm vụ học tập thành những thử thách hấp dẫn.

Công nghệ hỗ trợ: Công cụ tạo game, bảng xếp hạng, huy hiệu, hệ thống điểm, kịch bản tương tác

Phương pháp này không nên áp dụng với: Các chủ đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm (ví dụ: quấy rối tình dục ở nơi làm việc, chăm sóc y tế cho các bệnh nhân vào giai đoạn cuối đời), hoặc trong các môi trường mà các yếu tố trò chơi có thể làm tầm thường hóa việc học.

 

5. Thiết kế dựa trên dữ liệu

Phân tích dữ liệu học tập có thể bao gồm phân tích điểm số của các phần đánh giá, cách người học tương tác với nội dung học (ví dụ: học viên cần xem lại một nội dung nào đó nhiều lần có thể là dấu hiệu cho thấy nội dung đó chưa được thiết kế tốt nên gây ra sự khó hiểu), phản hồi (feedback) của học viên cho một hoạt động học tập nào đó, v.v. 

Những dữ liệu này cho phép các nhà thiết kế giảng dạy đánh giá chính xác hơn về mức độ hiệu quả của nội dung và kịp thời cải thiện trải nghiệm học tập dựa trên các hành vi thực tế của học viên.

Công nghệ hỗ trợ: Nền tảng phân tích học tập, xAPI/Tin Can, Kho lưu trữ hồ sơ học tập (LRS)

Phương pháp này không áp dụng được những nơi thiếu cơ sở vật chất về công nghệ (ví dụ các trường học ở vùng quê nghèo) hoặc các hoạt động học tập không lượng hoá được (ví dụ: khoá học về kỹ năng Viết sáng tạo).

Hình dưới: Các thành phần trong một hệ thống học tập sử dụng xAPI (Nguồn: Internet)

6. Học tập (mang tính) xã hội:

Học tập xã hội tận dụng các cộng đồng trực tuyến và nền tảng thảo luận để đem đến cảm giác cộng đồng cho học viên. Học viên sẽ có động lực học tập tốt hơn vì nhận được sự chia sẻ, tương tác, kết nối và hỗ trợ từ những người cùng học một nội dung như mình. Ví dụ: các nền tảng học trực tuyến như Coursera hay edX khuyến khích người học đăng câu hỏi lên diễn đàn, hoặc chấm bài chéo cho nhau.

Công nghệ hỗ trợ: Diễn đàn thảo luận, công cụ hợp tác, nền tảng nội dung do người dùng tạo ra

Hoạt động này khó áp dụng trong các hoạt động đánh giá mang tính chuẩn hoá, dựa trên năng lực của từng cá nhân, ví dụ: kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, thi Đại học, hay quy trình đánh giá năng lực làm việc (performance review process) định kỳ trong doanh nghiệp.

7. Học tập di động (Mobile Learning):

Với sự phổ biến của điện thoại thông minh và máy tính bảng, các chuyên viên thiết kế giảng dạy ngày càng được yêu cầu phải tạo ra những nội dung có thể truy cập được trên thiết bị di động, giúp học viên có thể học được mọi lúc, mọi nơi.

Công nghệ hỗ trợ: Thiết kế mang tính thích ứng (responsive) với từng loại thiết bị, các ứng dụng di động, khả năng truy cập offline, hiển thị thông báo trên thiết bị (push notifications).

Phương pháp này khó áp dụng cho: 

  • Môi trường đòi hỏi sự tập trung, không bị phân tâm khi học tập (ví dụ: Một khóa tu thiền chánh niệm)
  • Các khóa học có nhiều nội dung đa phương tiện hoặc dung lượng lớn, có thể không hoạt động tốt trên thiết bị di động (Ví dụ: Một khóa học về thiết kế kiến trúc)

8. Trí tuệ nhân tạo (AI):

AI ngày càng được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tự động hóa các tác vụ hành chính, và cung cấp sự hỗ trợ nhanh chóng cho học viên thông qua chatbot hoặc trợ lý ảo, giúp quá trình học tập hiệu quả hơn.

Công nghệ hỗ trợ: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy, chatbot, trợ lý ảo

Phương pháp này khó áp dụng cho:

  • Các hình thức học tập truyền thống không tích hợp công nghệ, ví dụ: Một buổi coaching (khai vấn) 1 kèm 1.
  • Các khóa học đòi hỏi sự tương tác của con người để phản hồi, ví dụ: Một buổi workshop thực hành về mỹ thuật

9. Tập trung vào khả năng tiếp cận (Accessibilities) của nhiều đối tượng học viên:

Mục đích của việc này là tạo ra môi trường học tập dễ hòa nhập (thông qua các phương pháp thiết kế dễ tiếp cận, hoặc thêm các trợ năng vào nội dung học tập), để đáp ứng nhu cầu của nhiều người học khác nhau, đảm bảo rằng tất cả học viên đều có thể tham gia đầy đủ vào quá trình học tập. 

Ví dụ: 

  • Nội dung học cần có phụ đề: dành cho học viên bị khiếm thính hoặc hoặc những học viên không phải là người bản xứ nên không hiểu hết các nội dung nếu chỉ xem video mà không có phụ đề. 
  • Nội dung học cần có lời thoại: dành cho các học viên khiếm thị hoặc mắc chứng khó đọc.
  • Chuyên viên thiết kế giảng dạy cần sử dụng các bảng màu thân thiện với người mù màu (colorblind-friendly palettes) và tránh truyền tải các nội dung quan trọng thông qua việc yêu cầu học viên phân biệt màu sắc.

Công nghệ hỗ trợ: Phụ đề, trình đọc màn hình, chế độ tương phản cao, điều hướng bằng bàn phím.

Phương pháp này không áp dụng được cho: Các tình huống mà nguồn lực bị hạn chế, ví dụ:

  • Một trường học nhỏ ở một quốc gia đang phát triển
  • Một doanh nghiệp nhỏ có ngân sách hạn chế

10. Học tập dựa trên dự án (Project-based learning)

Phương pháp này khuyến khích học viên tham gia vào các dự án thực tế để thúc đẩy kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác – những kỹ năng thiết yếu cho sự thành công trong tương lai. Học tập dựa trên dự án còn giúp người học nhớ các kiến thức lý thuyết lâu hơn, và hình thành nên khả năng vận dụng lý thuyết một cách linh hoạt. 

Công nghệ hỗ trợ: Công cụ quản lý dự án (ClickUp, Monday, Trello), bảng trắng ảo (whiteboard, ví dụ Miro, ClickUp, Zoom Whiteboard, Google Jamboard), hoặc hợp tác trên nền tảng đám mây.

Phương pháp này không tối ưu cho:

  • Môi trường kiểm tra chuẩn hóa như các kì thi
  • Các khóa học đòi hỏi phải học thuộc lòng (ví dụ: đào tạo dược sĩ nhớ tên các loại thuốc, một khoá học ngôn ngữ tập trung vào nhớ từ vựng)
 

Tóm lại, 10 xu hướng này cho thấy sự chuyển hướng sang trải nghiệm giáo dục hấp dẫn, linh hoạt và cá nhân hóa hơn, tận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học trong nhiều bối cảnh khác nhau. Việc cập nhật những xu hướng này sẽ giúp các instructional designers biết được nên sử dụng phương pháp nào cho bối cảnh nào, giúp tăng hiệu quả học tập và sử dụng đúng nguồn lực của tổ chức.

Trong 10 công nghệ/phương pháp kể trên, bạn đang sử dụng cái nào nhiều nhất trong công việc hiện tại? Bạn nhận xét như thế nào về công nghệ/phương pháp đó?

LinkedIn
Facebook

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *