Nếu bạn chọn đi theo con đường là một Instructional Design, thì định nghĩa cơ bản về công việc này là điều bạn cần nắm rõ, để biết mình có đang làm đúng công việc của mình hay không. Khi đọc các JD tuyển dụng cũng biết được rằng công việc này có đúng là làm ID không hay là chỉ có chút xíu ID, còn lại là cái khác.
ID là một ngành khá mới (so với các ngành nghề cơ bản, lâu đời khác), nên định nghĩa của nó cũng còn tương đối mơ hồ với đại đa số mọi người.
ĐỊNH NGHĨA ID CỦA ĐẠI HỌC PENN STATE
Dựa theo tài liệu “Training and Instructional Design” (Thiết kế Đào tạo và Thiết kế Giảng dạy), của Phòng Nghiên cứu Ứng dụng, Đại học Penn State, Mỹ, có 4 cách định nghĩa về Instructional Design (Thiết kế Giảng dạy) như sau:
1. Instructional Design as a Process – Định nghĩa Thiết kế Giảng dạy dưới góc độ là một Quy trình:
Thiết kế Giảng dạy (ID) là sự phát triển có hệ thống các tiêu chí giảng dạy, dựa trên nền tảng là các lý thuyết học tập và lý thuyết về giảng dạy. ID là toàn bộ quá trình đi từ phân tích nhu cầu và mục tiêu học tập đến phát triển một hệ thống truyền đạt thông tin để đáp ứng những nhu cầu đó (bao gồm việc phát triển tài liệu hướng dẫn, phát triển các hoạt động học tập; dùng thử và đánh giá tất cả các hoạt động hướng dẫn và người học.)
2. Instructional Design as a Discipline – Định nghĩa Thiết kế Giảng dạy dưới góc độ là một Bộ môn
Thiết kế hướng dẫn là nhánh kiến thức liên quan đến các nghiên cứu và lý thuyết về các chiến lược giảng dạy và quy trình nhằm phát triển và thực hiện các chiến lược đó.
3. Instructional Design as a Science – Định nghĩa Thiết kế Giảng dạy dưới góc độ là một môn Khoa học
Thiết kế giảng dạy là môn khoa học tạo ra các thông số kỹ thuật chi tiết cho việc phát triển, thực hiện, đánh giá và duy trì các tình huống tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập các đơn vị kiến thức lớn hoặc nhỏ, ở mọi mức độ phức tạp.
4. Instructional Design as Reality – Định nghĩa Thiết kế Giảng dạy dưới góc độ là một Thực tế
Thiết kế giảng dạy (ID) có thể bắt đầu tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thiết kế. Thông thường, một dự án ID được phát triển dựa trên một ý tưởng chợt loé lên. Trước khi toàn bộ quy trình hoàn tất, nhà thiết kế xem xét lại và kiểm tra để đảm bảo phần nền tảng “khoa học” đã được tính đến. Sau đó, toàn bộ quá trình sẽ được xây dựng như thể nó đã xảy ra theo một trình tự có hệ thống.
ĐỊNH NGHĨA VỀ ID TRÊN WIKIPEDIA
Thiết kế hướng dẫn/Thiết kế giảng dạy (ID), còn được gọi là thiết kế hệ thống giảng dạy (ISD), là hoạt động thiết kế, phát triển và cung cấp các sản phẩm và trải nghiệm có hệ thống, cả online lẫn offline, theo một cách nhất quán và đáng tin cậy hướng tới hiệu quả, hiệu suất, sự hấp dẫn, gắn kết và truyền cảm hứng cho việc tiếp thu kiến thức.
Quá trình ID bao gồm việc xác định trạng thái và nhu cầu của người học, xác định mục tiêu cuối cùng của việc giảng dạy và tạo ra một số “can thiệp” để hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi. Kết quả của ID có thể được quan sát trực tiếp và đo lường một cách khoa học hoặc hoàn toàn ẩn (không quan sát được) và được (đo lường bằng cách) giả định. Có nhiều mô hình thiết kế hướng dẫn nhưng nhiều mô hình dựa trên mô hình ADDIE với năm giai đoạn: phân tích, thiết kế, phát triển, thực hiện và đánh giá.
CÁC ĐỊNH NGHĨA KHÁC VỀ THIẾT KẾ GIẢNG DẠY (ID)
5. Thiết kế giảng dạy là quy trình có hệ thống để xác định các lỗ hổng học tập (learning gaps), sau đó thiết kế và phát triển nội dung để thu hẹp các lỗ hổng học tập đó. Nó liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm học tập (cả trên nền tảng kỹ thuật số lẫn trực tiếp), cũng như theo dõi hiệu suất và điều chỉnh nội dung khi cần thiết.
Các ‘sản phẩm học tập‘ ở đây bao gồm những gì? Đó là: các khóa học trực tuyến (online courses), sổ tay hướng dẫn dành cho người dạy (instructional manuals), hướng dẫn dành cho người điều phối (facilitator guides), sách bài tập dành cho học viên (participant workbooks), video đào tạo (training videos), mô phỏng học tập (learning simulations), đồ họa thông tin (infographics) v.v.
Chuyên gia thiết kế giảng dạy (IDer) thường dựa vào các mô hình thiết kế hướng dẫn để có được các khuôn khổ khoa học, nhằm sắp xếp và cấu trúc các tài liệu học tập một cách hiệu quả. Hai mô hình được sử dụng rộng rãi là ADDIE và SAM.
6. Thiết kế giảng dạy (“ID”, còn được gọi là thiết kế hệ thống giảng dạy hoặc “ISD”) là một phương pháp đã được thử nghiệm và chứng minh. Nó lần đầu tiên trở nên phổ biến trong Thế chiến thứ hai, nơi mà phương pháp thiết kế Giảng dạy đã phát huy hiệu quả đến mức nó nhanh chóng được đưa vào chương trình đào tạo của doanh nghiệp. Trong 50 năm sau đó, ID đã trở thành tiêu chuẩn để tạo nên những khoá đào tạo xuất sắc trong cả quân đội lẫn doanh nghiệp, cũng như được dùng để biên soạn sách giáo khoa và phát triển tài liệu học tập dựa trên máy tính
7. Thiết kế giảng dạy là một cách tiếp cận có hệ thống để phát triển khóa học nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu học tập cụ thể. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại, đòi hỏi việc đánh giá và phản hồi liên tục.
8. Thiết kế giảng dạy là một nghệ thuật và cũng là môn khoa học tạo ra một môi trường và tài liệu giảng dạy, đưa người học từ trạng thái không đủ năng lực hoàn thành một số nhiệm vụ đến trạng thái có thể hoàn thành các nhiệm vụ đó. Thiết kế giảng dạy được dựa trên các nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn trong các lĩnh vực như nhận thức, tâm lý giáo dục và giải quyết vấn đề.
KẾT LUẬN
Như vậy có thể thấy định nghĩa về ID dù có nhiều góc độ khác nhau nhưng đều quay quanh những ý chính sau
- ID là một hoạt động có mục đích cụ thể: cải thiện năng lực của người học, giải quyết vấn đề của cá nhân và tổ chức
- ID dựa trên nền tảng khoa học về giáo dục, tâm lý; áp dụng các lý thuyết và mô hình về học tập một cách có hệ thống
- ID là một quy trình khép kín đi từ bước phân tích đến đánh giá
- ID có sự ứng dụng trong nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, quân đội và thậm chí là trong hoạt động tự học của cá nhân, unschooling.
- ID dùng để thiết kế các ‘sản phẩm học tập‘, nhằm giúp chúng trở nên dễ tiếp thu, có tương tác, gợi hứng thú cho người học.
- Các sản phẩm đó bao gồm các khóa học trực tuyến (online courses), sổ tay hướng dẫn dành cho người dạy (instructional manuals), hướng dẫn dành cho người điều phối (facilitator guides), sách bài tập dành cho học viên (participant workbooks), video đào tạo (training videos), các mô phỏng nhằm phục vụ việc học tập (learning simulations), đồ họa thông tin (infographics) v.v.
- ID được dùng cho các hoạt động giảng dạy/đào tạo trực tiếp (offline), kỹ thuật số (digital/online) lẫn kết hợp (blended)
Mục đích của Instructional Design là xác định cách thức tổ chức nội dung học tập một cách hấp dẫn và dễ tiếp thu nhất. Nó là môn khoa học về cách mà chúng ta học tập.
https://www.ispringsolutions.com/blog/instructional-design
Qua bài tổng hợp trên, tôi hi vọng bạn – một người đang quan tâm về ID – có thể hiểu thêm về định nghĩa của ngành này một cách đầy đủ, chính thống, có nguồn gốc rõ ràng.
Và nếu bạn đang có ý định trở thành một IDer (hay thuê một IDer về làm cho công ty của mình) thì sẽ vững tin rằng đây là một công việc đòi hỏi cao, nhưng chắc chắn sẽ đem lại giá trị thực sự cho người học và cho tổ chức.
Thân mến
Vân
Bài chia sẻ rất hay, em cảm ơn chị!