Con đường tự học Instructional Design (Thiết kế Giảng dạy)- Phần 1: Giới thiệu

Chào bạn

Như bạn đã biết, tôi là Vân, người viết đứng sau trang blog InstructionaldesignwithVan, đồng thời cũng là một người làm công việc đào tạo theo hướng Blended Training (phương pháp đào tạo kết hợp), e-learning và experiencial learning (học tập thông qua trải nghiệm).

Tôi bắt đầu làm công việc đào tạo từ năm 2014, đến nay đã được 7 năm. Xuất phát điểm của tôi không phải từ chuyên môn về training, mà là từ vị trí chuyên viên hỗ trợ học thuật tiếng Anh cho học viên (không hẳn là giáo viên mà giống với vị trí coach hơn).

Training và Phát triển con người là niềm đam mê và là lý tưởng mà tôi theo đuổi. Lý do không có gì to tát cả, chỉ vì tôi cũng là một người, nhờ có giáo dục mà đã thoát khỏi số phận nghèo khó, mất tự do, thiếu quyền chọn lựa.

Qua trải nghiệm bản thân cũng như quan sát từ người khác, tôi có niềm tin vững chắc vào vai trò thay đổi cuộc đời của giáo dục. Tuy nhiên tôi không theo đuổi giáo dục truyền thống trong nhà trường, dạy tiếng Anh hay giáo dục mang tính lý thuyết quá nhiều. Tôi thấy mình phù hợp hơn với mảng đào tạo kỹ năng (skills training), học tập ứng dụng công nghệ (e-learning, mobile learning), hướng đến những kết quả được đo lường rõ ràng.

Ở những ngày đầu tiên bắt đầu làm công việc đào tạo, tôi may mắn được tiếp xúc với phương pháp Blended Learning/Flipped Classroom của Pearson khi làm việc tại Wall Street English trong giai đoạn 2014-2018. Tôi là 1 trong 3 thành viên đầu tiên của training team tại WSE Việt Nam, đặt nền móng đầu tiên cho việc đào tạo về kỹ năng mềm, onboarding và service cho WSE Việt Nam. Sau 2 năm, WSE Việt Nam được vinh danh dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất trong 28 nước mà WSE có mặt (ở cả châu Âu, châu Á và châu Mỹ). Team của tôi được trao giải “Best Onboarding Experience” dựa trên kết quả kinh doanh thể hiện bằng con số lẫn từ các feedback ẩn danh của hàng trăm nhân viên khối dịch vụ và học thuật mà chúng tôi đã đào tạo.

Những kết quả đó là điều đáng tự hào, vì những ngày đầu khi team mới thành lập, chúng tôi phải tự mò mẫm học cách làm đào tạo, tự rút ra bài học và tự dạy cho nhau thông qua các session “tự học” mà cả team cùng tổ chức. Tuy nhiên vì là tự học (từ Training Manual của Pearson), nên tôi bị thiếu các kiến thức nền tảng. Có nhiều việc chúng tôi phải làm đi làm lại nhiều lần mới tìm ra được cách làm tối ưu nhất vì chúng tôi chủ yếu là học từ sai lầm (mà bạn biết đấy, có nhiều thứ học từ kinh nghiệm của người đi trước thì vẫn nhanh và đỡ “đau” hơn là tự mò).

Điểm mạnh của tôi là 7 năm kinh nghiệm thực tế, tôi thực sự đã “làm” chứ không phải chỉ “biết” mỗi lý thuyết. Tôi làm việc với chủ yếu là người lớn với mức độ đa dạng về tuổi và background khá cao (đối tượng khách hàng của WSE Việt Nam và nhân viên của công ty) nên đã tích lũy được sự đồng cảm với nhiều đối tượng người học và giác quan nhạy bén về cái nào “có hiệu quả” và “không hiệu quả”.

Sở dĩ tôi dám nói như vậy vì sau này, khi tự “đắp lỗ hổng” nền tảng training từ những quyển sách tiếng Anh do những người kì cựu trong lĩnh vực này viết, tôi nhận ra rất nhiều thứ họ đề cập trong đó tôi đã làm rồi, và một số thứ tôi đã làm rất nhiều lần đến mức nó biến thành một phản xạ tự nhiên. Dĩ nhiên vẫn còn rất nhiều thứ tôi chưa biết, hoặc biết nhưng chưa làm được tốt. Là một người làm giáo dục, tôi cho rằng người đó phải là một “người học” trước đã – không ngừng tự bồi dưỡng cho bản thân những kiến thức và kỹ năng mới để đừng rơi vào cái cảnh nhai đi nhai lại một thứ mình đã biết từ ngày này sang tháng khác.

Trong quá trình tự “đắp lỗ hổng”, tôi nhận ra nếu có nền tảng về lý thuyết, việc xây dựng chương trình đào tạo sẽ nhanh và thống nhất hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi làm việc trong 1 team. Việc có một tiêu chuẩn đào tạo dựa trên các lý thuyết nền tảng sẽ giúp cả team làm việc hiệu quả hơn.

Vì vậy tôi lập ra blog này, trước tiên là để tự học (tôi gọi nó là 1 dự án cá nhân) và sau đó là để giúp đỡ những ai đang quan tâm đến chủ đề này nhưng chưa có điều kiện để tiếp xúc với các thông tin bằng tiếng Anh, từ các sách training và thiết kế giảng dạy (ID). Tôi là 1 freelance translator (Anh – Việt) cho một công ty chuyên về các bài test kỹ năng của Singapore đã được 3 năm, nên cũng có được chút ít kinh nghiệm trong việc dịch tài liệu.

Các sách và bài báo tôi chọn dịch hoặc tổng hợp là những tài liệu mà tôi đã đọc bằng tiếng Anh và cảm thấy chất lượng, có căn cứ nghiên cứu đàng hoàng, trình bày dễ hiểu (người viết sách về Instructional Design mà còn viết khó hiểu nữa thì thôi bó tay).

Tôi hy vọng bạn nhận được nhiều lợi ích từ dự án nhỏ này của tôi, và nếu bạn có câu hỏi gì, đừng ngại gửi email cho tôi qua van.pth07@gmail.com hoặc comment ngay dưới bài viết mà bạn đang đọc nhé.

Kể từ bài blog này, tôi sẽ làm 1 series, để nói về việc tự học Instructional Design (Thiết kế giảng dạy/ Thiết kế hướng dẫn), nói về việc nên bắt đầu từ đâu, và cần lưu ý những gì trên hành trình này. Tôi sẽ cố gắng dùng ngôn từ dễ hiểu, đơn giản và thân tình để làm cho nội dung này dễ tiếp nhận hơn.

Chủ đề của bài tiếp theo: “Bức tranh lớn” về con đường tự học ID

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *