Sự khác nhau giữa Lý thuyết (Theory) và Mô hình (Model)

Khi bắt đầu tìm hiểu về nền tảng của ID, tôi đã từng cảm thấy lạc lối giữa quá nhiều các tên gọi như: Behaviorism, 9 Bước hướng dẫn của Gagne, Bloom’s Taxonomy, Constructivism, Kolb, Mayer’s Principles, v.v.

Tôi bị lẫn lộn giữa Lý thuyết (Theory) và Mô hình (Model), không biết mối quan hệ giữa 2 đứa này là gì, chúng nó khác nhau ra sao, khi nào dùng cái này, khi nào dùng cái kia. Sự lẫn lộn đó làm tôi khó chịu, và cảm giác bị mắc kẹt như đi giữa một rừng các khái niệm mà chưa thấy được lối ra.

Tôi lên mạng tìm các từ khoá như “learning theory vs. learning model”, “relationship between learning theory and learning model”, đọc các sách về ID foundations nhưng không thấy một bài nào (cho tới nay) trả lời thoả đáng câu hỏi đó của tôi. Giữa biển thông tin Google và núi sách ID bằng tiếng Anh mà tôi có, đây thực sự là một điều khiến tôi vừa ức chế vừa cảm thấy lạ.

Sau đó tôi ngẫm nghĩ “Phải chăng mình đặt câu hỏi bị sai, nên mới không tìm ra câu trả lời? Nếu từ khoá mà mình dùng không đúng, thì từ khoá đúng là từ nào?” Và một khoảnh khắc loé lên khi tôi tự nghĩ ra “Sự khác nhau giữa theory và model – 2 từ khoá cơ bản – là gì?” Khi tôi tra cụm từ khoá này thì thật là nhẹ nhõm, tôi đã tìm ra câu trả lời mà mình muốn tìm.

Lý do mà những tìm kiếm trước đây của tôi về sự khác biệt giữa “learning theory vs. learning model” không có kết quả, theo tôi đoán là vì sự khác biệt đó là 1 sự hiển nhiên, ngầm hiểu. Tức là nếu biết sự khác nhau giữa theory và model thì sẽ tự suy ra được, nên không ai cần phải làm 1 bài nói về nó (dù tôi không thực sự nghĩ như vậy, nhất là với những người mới bắt đầu tự học).

Nguồn: AskAnydifference
  1. Theory (Lý thuyết) là gì?
  • Lý thuyết là tư duy khái quát hóa hoặc nêu ra một kết luận liên quan đến một hiện tượng nào đó
  • Lý thuyết (theory) là một phần của việc phân tích (analysis). Một lý thuyết hầu hết được các nhà khoa học sử dụng để chứng minh một điểm cụ thể với sự trợ giúp của bằng chứng khoa học, sự giải thích và các sự kiện.
  • Quá trình chứng minh một lý thuyết gắn liền với các nghiên cứu bằng phương pháp quan sát. Khi một giả thuyết (tức là một khái niệm chưa được phân tích một cách khoa học) được chứng minh là đúng thì nó được công nhận là một lý thuyết.
  • Lý thuyết là một công cụ để hiểu và giải thích các khái niệm phức tạp.
  • Một lý thuyết sẽ càng ngày càng được cải thiện khi có nhiều dữ kiện và bằng chứng được cung cấp, với độ chính xác ngày càng cao để hỗ trợ cho nó. Các nhà khoa học phát triển các lý thuyết để xây dựng thêm kiến thức khoa học và hoàn thành mục tiêu như phát minh ra công nghệ mới và tìm ra phương pháp chữa trị bệnh tật.

2. Mô hình (Model) là gì?

  • Mô hình là một sự trình bày dưới dạng vật lý, lời nói, toán học hoặc đồ họa cho một khái niệm hoặc một ý tưởng.
  • Các mô hình (models) được phát triển và tạo ra dựa trên một lý thuyết (theory), nhằm mục đích đơn giản hóa các khái niệm lý thuyết đó.
  • Mô hình chỉ chứa những điểm cần thiết hoặc bắt buộc, do đó, một khái niệm hoặc lý thuyết phức tạp có thể được đơn giản hóa bằng cách sử dụng một mô hình. Trong một số trường hợp, các mô hình cũng được coi là một ứng dụng của lý thuyết.

3. So sánh sự khác biệt giữa Mô hình (Model) và Lý thuyết (Theory)

  • Mô hình là sự trình bày trực quanbằng lời nói của các lý thuyết hoặc khái niệm, trong khi lý thuyết là những ý tưởng hoặc khái niệm khung về một hiện tượng.
  • Các mô hình đơn giản hóa một lý thuyết hoặc khái niệm để hiểu rõ hơn trong khi các lý thuyết giải thích hoặc dự đoán một hiện tượng bằng kiến thức, logic khoa học và các sự thật hiển nhiên.
  • Vì mô hình chỉ chứa những điểm cần thiết hoặc bắt buộc, do đó, một khái niệm hoặc lý thuyết phức tạp có thể được đơn giản hóa bằng cách sử dụng một mô hình.
  • Các mô hình dựa trên các lý thuyết hoặc khái niệm để xây dựng trong khi các lý thuyết dựa trên logic khoa học và các sự kiện được hỗ trợ bởi bằng chứng.
  • Các mô hình cung cấp hướng dẫn ở mức vĩ mô trong khi lý thuyết cung cấp hướng dẫn ở mức vi mô.

Bảng so sánh các tính chất của Mô hình và Lý thuyết

Như vậy có thể thấy lý thuyết là phần nền tảng, còn mô hình giúp cho các lý thuyết đó được khái quát hoá, đơn giản hoá, trở nên dễ hiểu hơn.

Trong hàng cuối cùng của bảng trên (“Ví dụ”), các mô hình ID và các lý thuyết ID được nhắc đến trong hàng đó là những “gương mặt vàng trong làng ID” mà nếu bạn tìm hiểu nhiều hơn về ID thì sẽ thường xuyên đụng mặt. Vẫn còn những mô hình và lý thuyết khác nữa mà tuỳ nhu cầu công việc, bạn sẽ gặp ít hoặc nhiều.

Sau khi đọc xong bài này, thử thực hành nguyên tắc ID bằng cách trả lời các câu sau nhé:

  1. Nếu phải tóm tắt sự khác biệt giữa Model và Theory trong 3 điểm chính, bạn sẽ nói gì?
  2. Điều hữu ích nhất mà bạn học được từ bài này là gì?
  3. Một điều bạn thấy thắc mắc/chưa rõ/không đồng ý/muốn bổ sung thêm là gì?

Hi vọng bạn đã thu nhận được điều gì đó hữu ích và cảm ơn bạn đã đồng hành với tôi trên con đường tự học ID này

Hẹn gặp ở bài sau!

Vân

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *